Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp vận động hợp lý là điều rất cần thiết.
Ông Trần Hoàng Linh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Ba tôi năm nay 58 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, từng có thời điểm chỉ số huyết áp lên đến 190 mmHg. Gần đây, ông đi khám và được chẩn đoán thêm tiền đái tháo đường. Từ đó, ông kiêng khem khá khắt khe, gần như loại bỏ hoàn toàn các loại trái cây ngọt và tinh bột. Chỉ ăn thanh long, dưa chuột. Có lúc ông cảm thấy mệt mỏi, tay chân bủn rủn. Xin bác sĩ tư vấn giúp chế độ ăn hợp lý cho người bị tăng huyết áp và tiền đái tháo đường.”
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), đã có những chia sẻ cụ thể:
Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay, được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” khi mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 10 triệu người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.
Việc điều trị tăng huyết áp thường cần dùng thuốc suốt đời. Nếu bệnh nhân ngưng thuốc hoặc kiểm soát kém, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp vận động hợp lý là điều rất cần thiết. Đặc biệt, trái cây và rau xanh luôn được xem là “người bạn đồng hành” quý giá của người bệnh cao huyết áp.
Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh: nếu người bệnh tăng huyết áp ăn trái cây thường xuyên, nguy cơ tử vong sẽ giảm đáng kể. Một nghiên cứu theo dõi 2.500 bệnh nhân trong 10 năm cho thấy, ăn táo từ 3 đến 6 lần mỗi tuần giúp giảm 40% nguy cơ tử vong do tăng huyết áp. Tương tự, ăn chuối với tần suất tương đương giúp giảm 24%. Đặc biệt, nếu kết hợp ăn cả táo và chuối đều đặn, nguy cơ tử vong giảm tới 43%.
Lý do là bởi táo chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có khả năng hạ mỡ máu, hỗ trợ điều hòa huyết áp, đồng thời loại bỏ các gốc tự do – vốn là tác nhân thúc đẩy quá trình lão hóa và tổn thương thành mạch.
Chuối thì nổi bật với lượng kali dồi dào – một khoáng chất quan trọng giúp thư giãn mạch máu và hỗ trợ cơ thể loại bỏ natri dư thừa (một yếu tố làm tăng huyết áp). Ngoài ra, chuối cũng chứa nhiều magie, vitamin C, catechin – đều có vai trò cải thiện chức năng nội mô mạch máu và bảo vệ tim mạch.
Đối với trường hợp ba của anh Linh, bác sĩ khuyến nghị không nên kiêng trái cây một cách cực đoan, vì điều này có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng, khiến cơ thể mệt mỏi, yếu sức. Với người ở giai đoạn tiền đái tháo đường, chỉ cần hạn chế các món ngọt, tinh bột tinh chế như cơm trắng, bánh kẹo, chứ không cần loại bỏ hoàn toàn trái cây. Thay vào đó, nên chọn những loại trái cây ít đường, nhiều chất xơ, kết hợp rau xanh, để kiểm soát đường huyết mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Dưới đây là một thực đơn mẫu cho người bệnh nặng khoảng 50kg, với nhu cầu năng lượng khoảng 1.500–1.600 kcal/ngày:
Bữa sáng: Bún cá (150g bún, 50g cá rô phi, 3ml dầu ăn, 100g rau xanh).
Bữa trưa: Cơm 1,5 bát con (90g gạo tẻ), cá chép hấp (120g cả xương), nem rán nhỏ (15g thịt nạc, 7ml dầu ăn), rau cải bắp luộc (200g), nửa quả ổi (150g).
Bữa phụ chiều: 200ml sữa tươi tách béo.
Bữa tối: Cơm 1,5 bát con (90g gạo tẻ), thịt lợn nạc rim tiêu (60g), đậu phụ sốt cà chua (60g), 7ml dầu ăn, su su luộc (200g), 1 quả táo.
Người bệnh cần kiên trì thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì vận động nhẹ nhàng và tái khám định kỳ để kiểm soát tốt cả huyết áp và chỉ số đường huyết, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.