Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng virus HPV không chỉ gây ung thư mà còn có thể lai với DNA của người bệnh, tạo nên một loại DNA đặc biệt có khả năng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khối u ung thư vòm họng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học California ở San Diego (UC San Diego) đã công bố phát hiện gây chấn động trên tạp chí Nature Communications, hé lộ một cơ chế mới mà virus HPV (Human Papillomavirus) có thể sử dụng để tăng cường khả năng gây ung thư.
Cụ thể, họ phát hiện rằng DNA của HPV có thể kết hợp với một đoạn DNA của người bệnh để hình thành nên một cấu trúc gọi là DNA ngoại nhiễm sắc thể (ecDNA). Loại DNA này không nằm trong nhiễm sắc thể thông thường mà tồn tại độc lập trong nhân tế bào, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các khối u ác tính.
Nghiên cứu cho thấy ecDNA xuất hiện phổ biến trong các tế bào ung thư vòm họng dương tính với HPV. Đặc biệt, khoảng 30% các ca ung thư vòm họng có sự hiện diện của ecDNA do sự lai ghép giữa DNA người và HPV, dẫn đến hoạt động bất thường của nhiều gen thúc đẩy ung thư.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy ecDNA có khả năng tránh né hệ miễn dịch và tăng cường sản xuất virus HPV trong tế bào ung thư, từ đó đẩy nhanh tốc độ phát triển của khối u.
Bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, nhóm nghiên cứu đã nhắm vào các vùng DNA tăng cường hoạt động của các gen ung thư và giảm được mức biểu hiện của chúng, mở ra một hướng điều trị mới đầy tiềm năng.
Dù vẫn còn cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu, nhưng phát hiện này được đánh giá là bước tiến lớn trong việc hiểu rõ hơn cơ chế sinh ung thư do virus HPV gây ra – loại virus đang ngày càng phổ biến và có liên quan đến nhiều loại ung thư ở người, đặc biệt là ung thư vòm họng.