Việc điều trị cần tùy theo nguyên nhân, với nhiều loại thuốc khác nhau từ kháng virus, giãn phế quản đến chống viêm và hỗ trợ kiểm soát bệnh mạn tính như hen suyễn hay COPD.
Viêm phế quản là tình trạng viêm ở đường dẫn khí trong phổi, thường gây ho kéo dài, khò khè và khó thở. Bệnh có thể cấp tính – thường do virus và tự khỏi, hoặc mạn tính – kéo dài và cần kiểm soát lâu dài. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau.
Nguyên nhân gây viêm phế quản rất đa dạng. Virus là thủ phạm phổ biến nhất, bao gồm cúm, virus hợp bào hô hấp, adenovirus, rhinovirus và coronavirus. Ngoài ra, một số vi khuẩn như Bordetella pertussis, Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae cũng có thể gây bệnh. Khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hay dị ứng cũng là các yếu tố kích thích gây viêm.
Ho là triệu chứng điển hình, thường kéo dài từ một đến ba tuần. Người bệnh có thể ho khan hoặc ho có đờm, thở khò khè, sốt nhẹ, sổ mũi, mệt mỏi và cảm thấy khó thở.
Viêm phế quản được điều trị như thế nào?
Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, viêm phế quản có thể được điều trị bằng một số loại thuốc sau:
Thuốc kháng virus: Dùng trong trường hợp viêm phế quản do virus cúm gây ra. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc như Tamiflu (oseltamivir). Thuốc này nên được dùng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Tác dụng phụ có thể gặp: đau đầu, buồn nôn, nôn (thường nhẹ và xảy ra trong 2 ngày đầu dùng thuốc).
Thuốc giãn phế quản: Được sử dụng phổ biến ở người bị viêm phế quản mạn tính hoặc có triệu chứng thở khò khè, khó thở. Thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn quanh phế quản, giúp không khí lưu thông dễ dàng hơn. Gồm 3 nhóm chính:
Nhóm đồng vận beta-2:
Tác dụng ngắn: salbutamol, fenoterol
Tác dụng kéo dài: salmeterol, bambuterol, formoterol Tác dụng phụ: run tay, hồi hộp, đau đầu, căng thẳng, chuột rút cơ.
Nhóm kháng cholinergic: ipratropium Tác dụng phụ: khô miệng, ho, đau đầu, táo bón, buồn nôn.
Nhóm methylxanthines: theophylline Tác dụng phụ: buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, nhịp tim nhanh, hồi hộp.
Thuốc chống viêm (corticosteroid): Dùng để giảm viêm trong phế quản, đặc biệt ở người bị viêm phế quản mạn tính hoặc có kèm theo hen suyễn/COPD.
Thuốc ức chế ho: Có thể giúp kiểm soát ho dai dẳng, nhất là vào ban đêm. Gồm các loại như dextromethorphan, benzonatate… Lưu ý: Không nên lạm dụng thuốc ức chế ho nếu ho có đờm, vì ho giúp đẩy đờm ra khỏi đường hô hấp.
Thuốc kháng sinh: Chỉ được sử dụng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ ràng (như sốt cao kéo dài, đờm đặc màu vàng/xanh kéo dài…). Viêm phế quản do virus chiếm đa số nên kháng sinh thường không cần thiết. Lưu ý: Dùng kháng sinh không đúng cách có thể gây kháng thuốc và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Thuốc điều trị hen suyễn hoặc COPD: Nếu viêm phế quản xảy ra ở người có bệnh nền như hen hoặc COPD, bác sĩ có thể phối hợp thêm thuốc điều trị đặc hiệu cho các bệnh này (ví dụ: corticosteroid dạng hít, thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, thuốc điều hòa miễn dịch…).
Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần lưu ý các phản ứng phụ có thể xảy ra và dùng thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách. Một số thuốc cần sử dụng bằng dụng cụ hít, đòi hỏi kỹ thuật dùng đúng để đạt hiệu quả tối đa. Việc tái khám đúng lịch cũng rất quan trọng để điều chỉnh thuốc khi cần thiết.
Phòng ngừa luôn là bước đầu tiên và bền vững nhất. Tránh khói thuốc, ô nhiễm, giữ vệ sinh tay sạch sẽ, sử dụng máy tạo ẩm trong thời tiết hanh khô và đảm bảo tiêm đầy đủ các loại vaccine cần thiết là những cách đơn giản mà hiệu quả để bảo vệ phổi và hạn chế nguy cơ viêm phế quản tái phát.