Một loại nước uống hằng ngày chứa tới 240.000 mảnh vi nhựa

Chi Trúc 23/04/2025 - 08:45

Mỗi lít nước đóng chai mà chúng ta vẫn tin dùng hằng ngày có thể chứa tới hàng trăm nghìn mảnh vi nhựa – những hạt siêu nhỏ, vô hình nhưng âm thầm nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences đã làm dấy lên lo ngại về mức độ ô nhiễm vi nhựa trong nước uống: trung bình, mỗi lít nước đóng chai có thể chứa đến 240.000 mảnh vi nhựa – trong đó 90% là các hạt nhựa nano siêu nhỏ, với kích thước dưới 1 micromet.

Bác sĩ Lê Nhất Duy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) giải thích, vi nhựa (microplastics) là những mảnh nhựa có kích thước dưới 5mm, hình thành do sự phân hủy của các sản phẩm nhựa lớn như chai, túi nilon, hộp nhựa đựng thực phẩm… Chúng cũng có thể xuất hiện trong một số sản phẩm công nghiệp hoặc mỹ phẩm dưới dạng hạt siêu nhỏ.

vi-nhua3-1745294237407-17452942375712073486196
Ảnh minh hoạ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, vi nhựa đã được phát hiện trong hầu hết các nguồn nước – từ nước suối, nước ngầm cho đến nước máy đã qua xử lý. Những nguyên nhân chính bao gồm: nước đầu vào bị ô nhiễm, rò rỉ từ bao bì nhựa khi tiếp xúc nhiệt hoặc tái sử dụng nhiều lần, và quy trình lọc – vận chuyển không đảm bảo chất lượng.

Tại Việt Nam, loại nước đóng bình 20 lít – phổ biến tại các hộ gia đình và quán ăn – đang là mối lo lớn. Với giá bán chỉ từ 15.000 – 25.000 đồng mỗi bình, loại nước này dù tiết kiệm chi phí nhưng lại ẩn chứa nguy cơ cao do các bình nhựa thường kém chất lượng, dễ bị phân hủy khi để lâu, đặc biệt là nếu tiếp xúc với ánh nắng hoặc nguồn nhiệt. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất nước lọc không đảm bảo quy trình kiểm định, dễ khiến nước còn lẫn vi nhựa, vi khuẩn hay kim loại nặng.

Vi nhựa – kẻ âm thầm gây hại cho sức khỏe

Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về mức độ ảnh hưởng của vi nhựa đến cơ thể con người, nhưng các nghiên cứu ban đầu cho thấy chúng có thể là vật trung gian mang theo kim loại nặng, vi khuẩn, hóa chất độc hại như BPA và phthalates – những chất có thể gây rối loạn nội tiết, tổn thương thần kinh và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Đặc biệt, các hạt nhựa nano có khả năng xuyên qua màng tế bào, đi vào máu, gan, thận và tích tụ trong cơ thể theo thời gian. Kết quả nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng vi nhựa có thể gây viêm, tổn thương mô, làm suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.

4 lưu ý giúp giảm nguy cơ nhiễm vi nhựa từ nước uống

Để chủ động bảo vệ sức khỏe, bác sĩ Duy khuyến nghị:

  • Chọn nguồn nước uy tín: Ưu tiên sử dụng nước từ các thương hiệu đã được kiểm định, có công bố quy trình xử lý rõ ràng và minh bạch về nguồn nước đầu vào.

  • Tránh nước giá rẻ không rõ nguồn gốc: Đừng đánh đổi sức khỏe để tiết kiệm vài nghìn đồng. Hãy nói không với các bình nước không có dấu kiểm định của cơ quan chức năng.

  • Bảo quản đúng cách: Không để bình nhựa gần nguồn nhiệt hay ánh nắng mặt trời, đồng thời hạn chế tái sử dụng chai nhựa nhiều lần.

  • Ưu tiên vật liệu an toàn: Sử dụng bình thủy tinh hoặc inox để chứa nước uống, hạn chế tiếp xúc lâu dài với nhựa.

“Vi nhựa là một ‘kẻ thù thầm lặng’, âm thầm len lỏi vào thói quen sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là trong nước uống. Dù khoa học còn nhiều điều cần làm rõ, nhưng việc chủ động giảm thiểu tiếp xúc với vi nhựa là hành động thiết thực và thông minh để bảo vệ sức khỏe. Đầu tư vào các hệ thống lọc nước chất lượng, giảm sử dụng nhựa và lựa chọn sản phẩm đáng tin cậy chính là cách phòng ngừa hiệu quả,” bác sĩ Duy chia sẻ.

Bài liên quan
Mới nhất
Một loại nước uống hằng ngày chứa tới 240.000 mảnh vi nhựa