Uống nước chanh có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách và hợp lý.
Nhiều ngày qua, trào lưu uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi bụng đói để thải độc và chữa bệnh vẫn lan rộng trên mạng xã hội, bất chấp hàng loạt cảnh báo từ giới chuyên gia y tế. Từ những đoạn video chia sẻ kinh nghiệm cá nhân đến các bài đăng hướng dẫn cách pha, cách uống, thậm chí là uống liều cao mỗi ngày, niềm tin vào tác dụng "kỳ diệu" của chanh đang được cổ vũ mạnh mẽ. Người ta tin rằng nước cốt chanh có thể chữa bách bệnh – từ thải độc, giảm cân, trị đau dạ dày, gan nhiễm mỡ, đến cả những vấn đề nội tiết như viêm nhiễm phụ khoa, mãn kinh…
Thế nhưng, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học uy tín nào chứng minh rằng uống nước cốt chanh – đặc biệt là uống liều cao khi bụng rỗng – có thể mang lại những công dụng thần kỳ như vậy. Những câu chuyện lan truyền như "uống chanh hết đau dạ dày", "3 năm mãn kinh mà vẫn có kinh trở lại" không chỉ thiếu căn cứ mà còn mâu thuẫn với kiến thức y học cơ bản về sinh lý nữ và hoạt động nội tiết tố. Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên không thể bị đảo ngược chỉ bằng một thực phẩm đơn lẻ như chanh.
Tuy nhiên, những câu chuyện truyền miệng ấy lại có sức lan tỏa nhanh chóng, tạo ra cảm giác an tâm và khơi gợi hy vọng ở nhiều người – nhất là với những ai đang mắc bệnh hoặc cảm thấy lo lắng về sức khỏe. Không ít người bắt đầu lôi kéo người thân, cả gia đình cùng áp dụng theo mà không quan tâm đến liều lượng hay tác dụng phụ. Nguy hiểm hơn, một số người còn có xu hướng quay lưng lại với y học hiện đại, chọn tin vào "liệu pháp tự nhiên" như một cứu cánh – điều vốn rất dễ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng uống quá nhiều nước chanh khi bụng đói có thể gây tổn hại cho sức khỏe: men răng bị bào mòn, gia tăng trào ngược dạ dày-thực quản, làm nặng thêm các vết loét, thậm chí dẫn tới chảy máu dạ dày. Với những người đang mắc bệnh mạn tính, việc trì hoãn điều trị đúng cách để chạy theo các liệu pháp truyền miệng không chỉ vô ích mà còn nguy hiểm đến tính mạng.
Sức khỏe không phải là nơi để thử nghiệm với những phương pháp chưa được kiểm chứng. Không có một “thần dược” nào có thể thay thế được lối sống lành mạnh và sự tư vấn của bác sĩ. Chúng ta nên lựa chọn thông tin một cách có trách nhiệm, kiểm chứng từ các nguồn đáng tin cậy như các tổ chức y tế, nghiên cứu khoa học và chuyên gia y tế. Sự thận trọng, tỉnh táo và tôn trọng kiến thức y học sẽ luôn là nền tảng vững chắc để bảo vệ sức khỏe của chính mình.