Đưa con đi viện, bất ngờ bị mổ vì sự tắc trách của bệnh viện

Chi Trúc 25/04/2025 - 23:21

Sự cố hy hữu nhưng nghiêm trọng này đang làm dấy lên lo ngại sâu sắc về quy trình an toàn y tế và trách nhiệm nghề nghiệp trong hệ thống bệnh viện công.

Một sự cố y khoa hy hữu nhưng nghiêm trọng đã xảy ra tại Bệnh viện Đại học Y Kota, bang Rajasthan, Ấn Độ hôm 12/4, khiến dư luận nước này không khỏi hoang mang về quy trình an toàn trong ngành y tế công lập. Nạn nhân là ông Jagdish – người chỉ đơn giản đến viện để chăm con trai – nhưng lại bất ngờ bị đưa vào phòng mổ và phẫu thuật nhầm do trùng tên với một bệnh nhân chạy thận khác.

Theo India Today, ông Jagdish đi cùng con trai là Manish tới bệnh viện để thực hiện một ca phẫu thuật chân theo lịch hẹn sau tai nạn. Trong lúc ngồi đợi bên ngoài phòng mổ, ông được nhân viên y tế gọi tên “Jagdish” và do không thể nói được vì bị liệt mặt, ông chỉ giơ tay phản hồi. Đáng nói, không một ai trong kíp mổ xác minh lại danh tính bệnh nhân theo quy trình tiêu chuẩn. Thế là ông bị đưa thẳng vào phòng phẫu thuật – hoàn toàn không được chuẩn bị y tế trước mổ.

9b6032e57fab96f5cfbajpgavif
Ảnh minh hoạ

Nghiêm trọng hơn, các bước bắt buộc trước phẫu thuật như mặc áo mổ, vệ sinh vô trùng hay cạo lông tại vị trí mổ đều bị bỏ qua. Vậy mà bác sĩ vẫn tiến hành rạch tay ông để tạo đường rò động – tĩnh mạch phục vụ chạy thận nhân tạo – một thủ thuật hoàn toàn không liên quan đến tình trạng của ông.

Sự nhầm lẫn chỉ được phát hiện khi kíp bác sĩ phụ trách ca mổ của con trai ông Manish vào kiểm tra. Ngay lập tức, ca mổ bị dừng lại, vết rạch được khâu lại và ông Jagdish được đưa về khu điều trị. Dù không bị tổn thương nghiêm trọng, ông vẫn phải chịu từ 5 đến 6 mũi khâu do sự nhầm lẫn không thể chấp nhận này.

Trả lời báo chí, bà **Sangeeta Saxena** – Hiệu trưởng Trường Y Kota trực thuộc bệnh viện – đã xác nhận sự cố và công khai xin lỗi gia đình nạn nhân. “Chúng tôi đã thành lập một ủy ban điều tra gồm ba thành viên để làm rõ nguyên nhân. Đây là một lỗi hệ thống nghiêm trọng, vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản về an toàn y khoa,” bà nói.

Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ – nơi các bệnh viện công lập vốn thường xuyên bị chỉ trích vì tình trạng quá tải, nhân sự thiếu chuyên môn và quy trình làm việc máy móc. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu bệnh viện tuân thủ đúng quy định xác nhận danh tính trước phẫu thuật – vốn là quy trình bắt buộc theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – thì tai nạn này đã không xảy ra.

Thực tế, những sai lầm như phẫu thuật nhầm người, nhầm bộ phận, kê sai thuốc hay chẩn đoán sai không hiếm gặp tại các bệnh viện trên thế giới. Nhưng điều khiến dư luận lo ngại nhất chính là sự tắc trách, vô cảm và thiếu đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhân viên y tế. Trong môi trường mà mỗi quyết định có thể liên quan đến tính mạng con người, mọi sơ suất đều phải được nhìn nhận nghiêm túc và rút kinh nghiệm một cách hệ thống.

Y học, ngoài là một ngành khoa học chính xác, còn là một nghề nghiệp thiêng liêng. Bệnh nhân đặt trọn niềm tin, thậm chí sinh mạng của mình, vào tay bác sĩ. Vì vậy, sự tận tâm, chính xác và đạo đức nghề nghiệp không chỉ là yêu cầu mà là nguyên tắc sống còn.

Bài liên quan
Mới nhất
Đưa con đi viện, bất ngờ bị mổ vì sự tắc trách của bệnh viện