Liệu "công thức trường sinh" của giới siêu giàu có thực sự tồn tại, hay chỉ là giấc mơ đắt đỏ trong cuộc chơi không hồi kết của những người sở hữu mọi thứ trừ thời gian?
Giới siêu giàu toàn cầu đang đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ biohacking và các liệu pháp chống lão hóa, biến giấc mơ "trường sinh bất lão" thành một ngành công nghiệp đắt đỏ.
Tại London, Anh, trung tâm biohacking Hum2n ở Chelsea cung cấp những liệu pháp tiên tiến nhằm kéo dài tuổi thọ. Tiến sĩ Mohammed Enayat, người đứng đầu trung tâm, cùng đội ngũ 28 chuyên gia, đang mở rộng hoạt động đến các địa điểm khác ở London và Ả Rập Saudi.
Tiến sĩ Enayat thường xuyên trải nghiệm các liệu pháp như truyền NAD (nicotinamide adenine dinucleotide) để kích thích ATP, tiêm Cerebrolysin - hỗn hợp peptide từ não lợn để tăng cường trí não, và sử dụng liệu pháp ozone truyền tĩnh mạch để thải độc.
Một người được truyền NAD tĩnh mạch để kích thích, kho dự trữ năng lượng của tế bào. Ảnh: Murray Ballard
Năm 2025, câu hỏi "Làm sao để bất tử?" trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới thượng lưu tại Thung lũng Silicon và giới tinh hoa ở Anh. Nhiều tỷ phú công nghệ đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã đầu tư vào Altos Labs, một công ty khởi nghiệp nghiên cứu về công nghệ chống lão hóa.
Ngành công nghiệp chống lão hóa đang phát triển mạnh mẽ. Theo Allied Market Research, tổng giá trị thị trường liệu pháp chống lão hóa toàn cầu dự kiến tăng từ 25,1 tỷ USD vào năm 2020 lên 44,2 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả thực sự của các liệu pháp này và lo ngại về khả năng chúng có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư hoặc không mang lại kết quả như mong đợi.
Tỷ phú Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal, cũng đã đầu tư vào Quỹ Methuselah với mục tiêu kéo dài tuổi thọ con người. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan thông qua quỹ từ thiện của họ đã treo giải thưởng hàng năm cho các nhà khoa học có tiến bộ đột phá trong việc kéo dài tuổi thọ con người. Tuy nhiên, một số tỷ phú như Elon Musk lại tỏ ra thờ ơ với công nghệ này, cho rằng việc sống quá lâu có thể gây ra sự ngột ngạt cho xã hội.
Dù có nhiều tranh cãi, ngành công nghiệp tuổi thọ vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm và đầu tư lớn từ giới siêu giàu, biến "trường sinh" thành một mục tiêu xa xỉ và đầy tham vọng.