Trầm cảm tuổi vị thành niên: Mối nguy bị xem nhẹ đang đe dọa tính mạng thế hệ trẻ

Chi Trúc 15/04/2025 - 23:00

Đã đến lúc người lớn cần lắng nghe thay vì áp đặt, thấu hiểu thay vì bỏ qua, để kịp thời bảo vệ sức khỏe tinh thần và tương lai của chính con em mình.

Trong những năm gần đây, số ca trầm cảm ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng, trở thành một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và cấp thiết. Không chỉ đơn thuần là những cơn buồn thoáng qua, trầm cảm ở lứa tuổi này đang âm thầm hủy hoại tinh thần, hành vi và cả tương lai của hàng ngàn đứa trẻ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, hậu quả của việc không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tự tử – nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong nhóm tuổi từ 15 đến 24, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10-20% trẻ vị thành niên trải qua ít nhất một rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là phổ biến nhất. Tại Việt Nam, báo cáo tỷ lệ này dao động 5-8%, nhưng nhiều trường hợp vẫn bị bỏ sót do thiếu hiểu biết.

Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận hàng trăm ca trẻ em có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi. Theo thống kê từ Bộ Y tế, ước tính có khoảng 8–10% học sinh, sinh viên Việt Nam có biểu hiện của các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tỷ lệ lớn. Tỷ lệ trẻ tự tử do các nguyên nhân liên quan đến trầm cảm và áp lực học hành, gia đình, bắt nạt học đường đang có xu hướng tăng nhanh.

ggg
Ảnh minh  hoạ

Trầm cảm không phải là dấu hiệu yếu đuối hay sự “làm quá” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đây là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, cần được chẩn đoán, tư vấn và điều trị chuyên sâu. Việc chậm trễ trong nhận diện và điều trị không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, học tập của trẻ mà còn để lại những hậu quả dài lâu về mặt tâm lý và xã hội.

Trầm cảm tuổi vị thành niên là vấn đề không thể xem nhẹ. Hơn lúc nào hết, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức, thay đổi góc nhìn và hành động kịp thời để bảo vệ sức khỏe tinh thần – cũng là bảo vệ tính mạng và tương lai của thế hệ trẻ. Đừng để đến khi quá muộn mới giật mình nhìn lại: điều con cần nhất đôi khi chỉ là một người đủ kiên nhẫn để lắng nghe.

Ở tuổi vị thành niên – giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất và tâm lý, trẻ em dễ chịu tác động bởi môi trường xung quanh. Áp lực từ điểm số, kỳ vọng của cha mẹ, sự so sánh trên mạng xã hội, cùng với cảm giác cô lập, bị bỏ rơi hoặc bị bạo lực học đường khiến nhiều em rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc kéo dài. Khi không có ai lắng nghe, không được chia sẻ đúng cách, các biểu hiện như thu mình, cáu gắt, mất ngủ, chán ăn… dễ bị cha mẹ cho rằng là “bướng”, “chống đối”, mà bỏ qua tín hiệu của một căn bệnh tâm lý cần được can thiệp.

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt thành thị hay nông thôn, không chỉ xảy ra ở những trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà còn ở các em sống trong gia đình có điều kiện. Sự nguy hiểm của căn bệnh này nằm ở chỗ nó diễn ra âm thầm, khó nhận biết và dễ bị che giấu bởi chính người trong cuộc. Rất nhiều trường hợp chỉ được phát hiện sau khi trẻ có hành vi tự làm hại bản thân, hoặc đáng tiếc hơn – sau một vụ tự tử.

Chuyên gia tâm lý khuyến nghị, cha mẹ, thầy cô và người chăm sóc cần thay đổi cách tiếp cận với trẻ vị thành niên. Thay vì tạo thêm áp lực, hãy xây dựng mối quan hệ dựa trên sự lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ. Những câu hỏi đơn giản như: “Hôm nay con có mệt không?”, “Có điều gì làm con thấy buồn không?” đôi khi lại là cách hữu hiệu để mở ra cánh cửa đối thoại và phát hiện vấn đề sớm.

Ngoài ra, hệ thống trường học cũng cần tăng cường giáo dục sức khỏe tâm thần, có đội ngũ chuyên gia tư vấn học đường được đào tạo bài bản để kịp thời can thiệp, đồng hành cùng học sinh trong những giai đoạn khủng hoảng tâm lý.

Bài liên quan
Mới nhất
Trầm cảm tuổi vị thành niên: Mối nguy bị xem nhẹ đang đe dọa tính mạng thế hệ trẻ