Cần làm gì để không bị gián đoạn quyền lợi khi thẻ BHYT hết hiệu lực? Những thông tin quan trọng dưới đây sẽ giúp bạn chủ động thích ứng với thay đổi này.
Từ ngày 1/6/2025, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy sẽ không còn được cấp mới, cấp lại hay cấp đổi, trừ một số trường hợp đặc biệt. Thay vào đó, người dân sẽ sử dụng ứng dụng số hoặc căn cước công dân (CCCD) gắn chip khi đi khám chữa bệnh.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 29/2025/NĐ-CP và khoản 2, Điều 5 Quyết định số 391/QĐ-BTC, việc ngừng sử dụng thẻ BHYT giấy nhằm tối ưu hóa quy trình quản lý, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả phục vụ. Trước thời điểm 1/6/2025, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố vẫn tiếp tục sử dụng phôi thẻ BHYT giấy. Sau đó, người dân cần chuyển sang các hình thức mới để đảm bảo quyền lợi khi khám chữa bệnh.
Cụ thể, thay vì thẻ giấy, người tham gia BHYT có thể xuất trình thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID, VNeID hoặc sử dụng CCCD gắn chip để được xác thực thông tin khi đến cơ sở y tế. Những trường hợp không thể cài đặt ứng dụng hoặc không có CCCD gắn chip vẫn có thể được cấp thẻ giấy theo hướng dẫn của cơ quan BHXH.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, người dân cần chủ động cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh, đồng thời liên kết thông tin BHYT với CCCD để đồng bộ dữ liệu. Nếu gặp khó khăn trong việc cài đặt hoặc chưa có CCCD gắn chip, người dân có thể liên hệ cơ quan BHXH địa phương để được hỗ trợ.
Việc số hóa BHYT không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm nguy cơ mất mát thẻ mà còn nâng cao tính bảo mật và minh bạch trong quản lý. Trong trường hợp gặp vấn đề trong quá trình sử dụng thẻ điện tử, các đơn vị BHXH sẽ tiếp nhận phản ánh và báo cáo để có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.