Đây là “kho dự trữ” các vitamin nhóm B như folate, choline và B12 – những dưỡng chất quan trọng cho quá trình trao đổi chất và hoạt động của hệ thần kinh
Khi nói đến thực phẩm bổ dưỡng, phần lớn chúng ta thường nghĩ đến rau xanh, trái cây hay các loại hạt giàu dưỡng chất. Tuy nhiên, không chỉ thực vật, mà một số thực phẩm có nguồn gốc từ động vật – đặc biệt là gan – cũng được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rất cao.
Trong danh sách 20 thực phẩm tốt nhất thế giới do chuyên trang ẩm thực BBC Good Food (Anh) công bố vào tháng 3/2023, bên cạnh những cái tên quen thuộc như cải xoong, quả lựu, bơ, tỏi hay hạt dẻ cười, gan – một loại nội tạng động vật – đã bất ngờ góp mặt ở vị trí thứ 12.
BBC Good Food nhận định: Gan là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất mà con người có thể tiêu thụ. Gan chứa hàm lượng protein cao, ít calo, đồng thời rất dồi dào vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Một ưu điểm lớn của gan là khả năng hấp thu dinh dưỡng vượt trội. Gan động vật chứa vitamin A ở dạng retinol – dạng vitamin A “hoạt động” mà cơ thể có thể sử dụng trực tiếp, thay vì phải chuyển hóa như vitamin A có trong thực vật. Gan cũng cung cấp vitamin D dưới dạng D3 – loại dễ hấp thụ hơn so với vitamin D2 từ nguồn thực vật.
Ngoài ra, gan là “kho dự trữ” các vitamin nhóm B như folate, choline và B12 – những dưỡng chất quan trọng cho quá trình trao đổi chất và hoạt động của hệ thần kinh. Đặc biệt, gan rất giàu sắt, mà lại là sắt haem – dạng sắt có khả năng hấp thu cao, giúp hỗ trợ phòng ngừa thiếu máu, nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Không quá xa lạ với người Việt, gan – đặc biệt là gan heo – thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình như món gan xào hành, gan nướng, cháo gan... Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết giá trị dinh dưỡng “khủng” mà loại nội tạng này mang lại.
Dù rất giàu dưỡng chất, gan cũng giống như nhiều loại nội tạng khác – chứa cả chất béo bão hòa và cholesterol. Tuy nhiên, theo BBC Good Food, nếu tiêu thụ ở mức độ hợp lý, gan không chỉ an toàn mà còn giúp hấp thụ tốt hơn các vitamin tan trong chất béo như A và D.
Một số lưu ý khi ăn gan:
Không ăn quá thường xuyên: Nên giới hạn khoảng 1–2 lần/tuần để tránh nạp quá nhiều vitamin A, có thể gây dư thừa.
Chọn gan sạch: Ưu tiên gan từ động vật được nuôi an toàn, tránh gan có màu lạ, mùi hôi, chảy nước.
Nấu chín kỹ: Gan cần được nấu chín hoàn toàn để tiêu diệt ký sinh trùng, vi khuẩn có hại.
Trẻ em, phụ nữ mang thai nên tham khảo bác sĩ trước khi bổ sung gan vào thực đơn.