Các bác sĩ cảnh báo, chỉ một sai lầm nhỏ trong bảo quản thực phẩm cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngày 24/3, ThS.BS Nguyễn Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đã chia sẻ về một ca ngộ độc botulinum nghiêm trọng do bảo quản thực phẩm đóng hộp không đúng cách.
Nam bệnh nhân 25 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng như sụp mí mắt, mắt không cử động được, đồng tử giãn, liệt toàn thân và suy hô hấp phải thở máy. Trước đó một ngày, anh đã sử dụng pate đóng hộp, mở nắp để bên ngoài nhiệt độ phòng rồi tiếp tục ăn vào hôm sau – điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển và sinh độc tố.
Các xét nghiệm xác định bệnh nhân bị ngộ độc botulinum – một loại độc tố thần kinh cực mạnh, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Sau hơn hai tháng điều trị tích cực, bệnh nhân dần hồi phục, có thể mở mắt, tay chân bắt đầu có lực nhưng vẫn cần hỗ trợ thở máy.
Bác sĩ Nghĩa cho biết, bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn nên phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ thở máy, cải thiện sức khỏe tổng quát, kết hợp với vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng phải xử lý các nhiễm trùng bệnh viện do bệnh nhân phải thở máy kéo dài. Do bệnh nhân sống một mình và nhập viện khi đã nặng, việc xác định nguồn gốc chính xác của loại pate gây ngộ độc gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp này là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của việc bảo quản thực phẩm không đúng cách. Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh rằng thực phẩm đóng hộp chỉ an toàn nếu được sử dụng và bảo quản đúng quy trình. Ngược lại, nếu không tuân thủ các nguyên tắc bảo quản, thực phẩm có thể trở thành nguồn sinh độc tố nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh do vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra trong môi trường yếm khí – tức là môi trường kín, thiếu oxy, thường xuất hiện trong các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm lên men hoặc ủ chua không đảm bảo an toàn. Độc tố này thuộc nhóm nguy hiểm nhất thế giới, với liều gây tử vong cực thấp. Chỉ một lượng nhỏ cũng có thể làm suy hô hấp và liệt cơ nghiêm trọng.
Triệu chứng ngộ độc botulinum thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm độc. Những dấu hiệu cảnh báo sớm bao gồm sụp mí, nhìn mờ, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sau đó yếu cơ lan dần từ mặt xuống tay chân, khó thở do liệt cơ hô hấp, kèm theo đau bụng, buồn nôn.
Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể được tiêm huyết thanh kháng độc tố botulinum để hạn chế sự lan rộng của chất độc trong cơ thể. Tuy nhiên, với những trường hợp nhập viện muộn hoặc chẩn đoán chậm, việc điều trị chủ yếu tập trung vào chăm sóc hỗ trợ như thở máy, nuôi ăn qua ống sonde và nâng đỡ sức khỏe tổng thể.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc botulinum, cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc bảo quản thực phẩm đóng hộp, không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, phồng nắp hoặc có mùi lạ. Khi có các triệu chứng bất thường sau khi ăn, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.