Các chuyên gia y tế đang đưa ra cảnh báo cho hiện tượng bệnh hiếm gặp này.
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét, Côn trùng và Ký sinh trùng Trung ương – đến nay, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh "giun rồng" tại 5 tỉnh, trong đó Yên Bái có số ca mắc nhiều nhất với 11 trường hợp, tiếp theo là Phú Thọ 8 ca, Thanh Hóa 2 ca, Hòa Bình 1 ca và Lào Cai 2 ca. Ca mắc gần nhất được phát hiện vào tháng 8/2024, tất cả bệnh nhân đều là nam giới.
PGS Dũng cho biết, loài giun này có thể phát triển đến hàng mét và trước đây chỉ được ghi nhận tại 4 quốc gia ở châu Phi, nơi điều kiện môi trường kém. Việt Nam từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận không có bệnh "giun rồng" vào năm 1998. Tuy nhiên, năm 2020, trường hợp đầu tiên tại Việt Nam bất ngờ xuất hiện, đặt ra nhiều lo ngại về sự tồn tại và nguồn lây của loại ký sinh trùng này.
Ngày 1/4, PGS Dũng cùng các chuyên gia đã có buổi trao đổi với WHO về tình hình dịch bệnh. Theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam cần tăng cường giám sát và xác định chính xác loài ký sinh trùng này, bởi khả năng cao đây không phải loài "giun rồng" đã từng gặp ở bệnh nhân châu Phi mà có thể là một biến thể mới.
Một "giun rồng" được lấy ra tại Việt Nam - Ảnh: BSCC
Theo PGS Dũng, hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng ngừa bệnh "giun rồng". Khi nhiễm bệnh, người bệnh phải chờ đến khi giun tự chui ra qua các vết sứt hoặc phồng rộp trên da. Khi đó, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ dùng phương pháp cuốn giun một cách cẩn thận để tránh làm đứt. Quá trình này có thể kéo dài hơn một ngày mới hoàn tất.
Nếu giun bị đứt trong cơ thể, hàng triệu ấu trùng có thể giải phóng vào mô cơ thể người, gây viêm nhiễm nghiêm trọng hoặc tiếp tục lây lan trong cơ thể. Đã có trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng nặng do giun bị đứt trong quá trình lấy ra không đúng cách.
Trong một số trường hợp, giun không chui ra ngoài mà có thể tự thoái hóa hoặc di chuyển vào khớp, gây viêm khớp và các tổn thương khác. Thời gian ủ bệnh từ khi nhiễm đến khi có triệu chứng thường kéo dài 11-12 tháng.
Nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm bệnh "giun rồng" được xác định là do thói quen ăn thịt động vật như rắn, ếch chưa nấu chín hoặc uống nước lã có chứa ấu trùng. PGS Dũng khuyến cáo người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa nguy cơ nhiễm loại ký sinh trùng nguy hiểm này.