Trường hợp tử vong tại Hà Nội đánh dấu ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn trong năm nay. Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch bệnh quay trở lại.
Bệnh nhân là ông N.Đ.H, 51 tuổi, cư trú tại Hà Nội, có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp. Trước khi nhập viện ba ngày, ông xuất hiện các triệu chứng ho khan, sốt, khó thở và phát ban đỏ từ mặt lan xuống thân mình. Tình trạng nhanh chóng diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi nghiêm trọng, khiến ông được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, ông H. được hỗ trợ thở máy và điều trị tích cực, bao gồm lọc máu liên tục và sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo). Dù được theo dõi sát và can thiệp bằng những kỹ thuật hồi sức hiện đại, bệnh nhân không qua khỏi sau hai tuần điều trị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới – cho biết, thời gian gần đây số ca mắc sởi ở người lớn đang có xu hướng gia tăng rõ rệt. Đáng chú ý, nhiều trường hợp có độ tuổi từ 30 đến 65 và diễn tiến nặng hơn so với trẻ em, đặc biệt là những người có bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hay suy giảm miễn dịch. Theo thống kê tại viện, khoảng 75% bệnh nhân người lớn mắc sởi không nhớ rõ đã từng tiêm vắc xin hay chưa.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, lây lan mạnh qua đường hô hấp và có hệ số lây nhiễm cao. Các bác sĩ cảnh báo, người lớn từng không tiêm đủ liều vắc xin sởi hoặc không tiêm nhắc lại theo khuyến cáo có nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nghiêm trọng.
Vì vậy, việc tiêm vắc xin MMR (sởi – quai bị – rubella) là biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất. Các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị nên sàng lọc lịch sử tiêm chủng và tiêm bổ sung nếu cần, đặc biệt với người lớn tuổi, người có bệnh nền hoặc nhân viên y tế làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.